Câu chuyện về sự chính trực được chia sẻ từ chuyên gia về thương hiệu Sơn Nguyễn, Blog Một Ly Cafe mời bạn đọc theo dõi.
Chính trực! Bạn nên đọc hết bài này, cho dù đang rất bận.
Chính trực là cái gốc của phát triển bền vững. Phát triển bền vững trong hợp tác làm ăn, trong quan hệ xã hội và trong cả quan hệ bạn bè.
Đáng buồn hai từ cao quý này ở ta rất bị xem nhẹ, chưa được hiểu đúng và bị vi phạm thường xuyên. Sau đây là câu chuyện của một người bạn trên Facebook inbox cho tôi giãi bày bức xúc và nhờ chia sẻ để mong rằng ai đó làm chuyện tương tự hãy biết xấu hổ, ai đó chưa vi phạm thì đừng để nó xảy ra.
Bên em có 1 nhân viên Technical support, bạn này đã nghỉ công ty được 6 tháng, tuy nhiên bạn này trước khi nghỉ thì đã có ý định từ rất lâu về business riêng của bạn đó. Vì thế trong khi đi gặp các khách hàng key, khách hàng tiềm năng thì đều sử dụng số điện thoại cá nhân để liên hệ với khách thay vì số điện thoại công ty cấp để liên hệ với khách (Công ty em cung cấp cho toàn bộ nhân viên mỗi người một số di động để liên lạc khách hàng). Do đó khi bạn nghỉ thì bạn mang toàn bộ contact đi và khách hàng vẫn liên lạc vào số cá nhân của bạn đó thay vì số công ty. Thật sự đây là điều không thể chấp nhận được. Thêm vào đó sau khi nghỉ bạn gọi điện cho nhân viên công ty, xin toàn bộ contact của khách hàng và list dự án công ty đang theo. Rất may nhân viên công ty đã báo cáo việc này.
Một bạn khác cũng mới nghỉ ra làm business riêng cạnh tranh với công ty, trước khi nghỉ bạn lén divert toàn bộ cuộc gọi tới số cố định của công ty, số di động công ty cấp cho bạn đó sang số cá nhân của bạn đó. Cũng rất may công ty phát hiện ra sớm nên chưa ảnh hưởng gì nhiều.
Thật sự 2 cases này làm sếp em là người nước ngoài rất nghi ngờ và đánh giá thấp người Việt nam rất nhiều. Em cũng cảm thấy rất xấu hổ về việc này.
Tôi rất chia sẻ với câu chuyện của bạn. Khuất tất mới chỉ là một trong nhiều hình thái của hành động phi chính trực.
Gian dối hay mưu cầu lợi ích cá nhân không đoàng hoàng, thiếu minh bạch. Tại sao những điều đáng xấu hổ này xảy ra ở nhiều người, nhiều tổ chức như vậy? Tại sao có nhiều người làm những điều này không chút mảy may hổ thẹn dù một chút trong lương tâm?
Gốc rễ có lẽ là họ không được giáo dục dạy bảo từ lúc còn trẻ ý thức về sự trung thực và như thế nào là một hành động đáng xấu hổ. Mỗi khi mọi hành vi tốt xấu bị phụ thuộc hoàn toàn vào sự kiểm soát từ bên ngoài thì còn lâu chúng ta mới hy vọng có một con người văn minh, một tổ chức văn minh và một xã hội văn minh.
Chính trực, về bản chất, phải được hình thành và tự kiểm soát từ bên trong mỗi người. Phòng người ngay chứ không thể phòng được kẻ gian. Ông cha ta nói cấm có sai. Mỗi khi chưa tự dựng lên được cơ chế tự kiểm soát bên trong thì một cá nhân chỉ cần hở ra là gian dối ngay. Và họ không hề cảm thấy hối lỗi vì điều đó. Và đó mới là điều đáng sợ nhất. Gian dối nối tiếp gian dối từ đó mà ra cả.
Nhiều mối quan hệ xã hội, anh em, bạn bè đổ vỡ khi đụng đến lợi ích nhất là tiền bạc. Nguyên nhân sâu xa là ở suy nghĩ không chính trực của một bên hoặc cả hai bên.
Tôi sẽ ngay tức khắc dừng hợp tác với đối tác hay sa thải nhân viên nếu họ có biểu hiện không chính trực.
Howard Schultz
Ông Howard là người nhân văn và rộng lượng trong quan hệ người với người. Nhưng ông không hề có một gram thoả hiệp nào với phi chính trực.
Vì ông cũng như ở những xã hội văn minh, chính trực là tôn chỉ tiên quyết cho sự phát triển bền vững lành mạnh. Trong quan hệ kinh doanh, quan hệ xã hội và cả quan hệ bạn bè.
Đức Sơn
P/s: Một số phản hồi thú vị
Ở một góc độ khác, nếu khách hàng coi trọng sự hợp tác thì mọi việc đã khác. Họ xem kết nối cá nhân cao hơn tổ chức. Trước đây James có 1 Producer cứng, sau khi bạn này nghỉ thì khách hàng đã ko còn ký với cty mà ký thẳng với bạn với giá thấp hơn nhiều. Có cầu tất có cung. Làm doanh nghiệp thì cần quản trị tốt rủi ro này, phân chia vị trí, bộ phận tránh 1 người làm toàn bộ quy trình.
James Do
Đúng trường hợp em luôn, cũng từng có 2 bạn nv gian dối, 1 bạn có chủ đích từ trước khi ra đi sau 6 năm làm công ty em và copy toàn bộ dữ liệu nội bộ của em mang sang công ty mới để khoe như là một thứ đóng góp của bạn ý khi mới ra nhập team nhưng không ngờ đấy lại chính là đòn phản. Chị giám đốc công ty mới của bạn ý là người rất tốt, trực tiếp đến gặp em và trao đổi về chuyện này mặc dù trước đó không biết em là ai. Sau một thời gian nhảy hết công ty này đang công ty kia thì bạn đó cũng có business riêng, biết đâu một ngày đẹp trời bạn ý cũng sẽ có cùng trải nghiệm bị nv gian dối. Đời có nhân quả. Hãy sống chân thành
Nguyen Truong Son
Minh Đức – Một góc nhìn khác về sự chính trực & phi chính trực với case anh Trần Đức Sơn đã nêu
(Hồi âm bài viết của một trong những doanh nhân mà tôi kính trọng)
Bài viết này có thể khiến nhiều người không thích, vì chỉ nêu lên sự thật trần trụi. Nhưng tôi vẫn mạnh dạn viết tiếp, vì nghĩ là người tốt vẫn luôn nhiều hơn người có tật, và vì luôn nhớ câu: “Thuốc đắng dã tật…”Bài viết bên trên là bài viết về sự chính trực của một doanh nhân nổi tiếng rất đáng đọc, nhất là đối với các bạn trẻ (tôi xin phép sẽ chia sẻ lên fanpage của doanh nghiệp tôi đang công tác sau). Ai cũng có thể like và comment ủng hộ bài viết của anh ấy cả, đơn giản vì anh viết hay, viết chạm vào “nỗi đau da cam” của nhiều người, nhất là các chủ doanh nghiệp! Tôi cũng comment ủng hộ, nhưng có chia sẻ thêm với ý là ở VN rất khó, vì câu kết anh Sơn nhắc đến sự chính trực ở các xã hội văn minh, đó như là mơ ước của anh ấy vậy (Cám ơn anh Sơn đã like đồng tình quan điểm của tôi). Nhưng hãy thẳng thắn nhìn nhận: Có ai đã, đang và sẽ ra làm riêng mà chưa từng lưu giữ (hoặc không có ý định lưu giữ) các contact cũng như các mối quan hệ riêng cho mình không? Xin vui lòng lên tiếng khẳng định là KHÔNG và SẼ KHÔNG BAO GIỜ. Các anh, chị có quyền lên tiếng như vậy, còn tôi và những người đã gặp quá nhiều thực tế trần trụi có quyền không tin, hoặc tin theo một cách khác (theo những lý do thực tế dưới đây).
Là một người đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, từ tư nhân, nhà nước đến nước ngoài, gặp hàng ngàn người khác nhau từ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, bạn bè, người quen ở khắp nơi… tôi nghiệm ra rằng tác giả viết đúng, nhưng chỉ tiếc là còn hơi… thiếu thiếu. Vì nếu chỉ vì lấy thông tin khách hàng hoặc tận dụng mối quan hệ trong quá trình đi làm để ra kinh doanh riêng (hoặc đơn giản hơn là qua làm công ty khác) mà bị cho là người phi chính trực, không đàng hoàng và gian dối thì chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến quá nhiều những người ra làm riêng theo kiểu “phi chính trực” như thế, số còn lại hoặc là thấy không cần thiết làm như thế (vì họ rất giỏi, có thể tự tạo ra lượng khách hàng mới dễ dàng; một số người khác là do chuyển qua lĩnh vực/thị trường khác), hoặc không đủ khả năng làm thế, hoặc cũng đã làm như thế hoặc tương tự thế mà không hiệu quả và cũng không thừa nhận!
Lưu giữ và duy trì các mối quan hệ ngày nay được nhiều người xem cũng tương đồng như những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế mà người lao động có được, đáng có và đáng được hưởng qua quá trình làm việc, để làm đối trọng cho những thỏa thuận công bằng hơn với chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng để phòng thân cho nguy cơ mất việc, chuyển đổi doanh nghiệp hoặc nếu có điều kiện thì ra làm riêng sau này.
Ông bà mình nói gì cũng đúng, như câu “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, rất nhiều chủ doanh nghiệp thường đổ lỗi cho đủ khó khăn nên thường không tăng lương cho nhân viên sau một vài năm, thậm chí có những doanh nghiệp tìm cách cắt lương/trừ thưởng và thường xuyên gặp nhất là trốn tránh đóng bảo hiểm, mà tôi từng là nạn nhân của không dưới 5 doanh nghiệp như thế. Gặp những DN như thế có nhân viên nào phải chấp nhận hy sinh trung thành và cống hiến trọn đời không? Chắc chắn là không!
Tôi vốn không theo nghề sale, nhưng có rất nhiều mối quan hệ bạn bè quen biết và có nhiều việc liên hệ với “dân sale”, tôi thấy hầu như ai cũng tìm cách giữ contacts khách hàng cho mình cả, thậm chí có những Công ty quản lý không chặt, thì người làm sale khi gửi quà lễ tết mà Công ty tặng (có kèm theo danh thiếp Công ty) họ sẽ bỏ danh thiếp Công ty ra để biến quà đó thành quà cá nhân của họ; với những người đã lập Công ty riêng mà giấu kín (tôi bảo đảm ở SG, HN rất dễ giấu qua việc nhờ người đứng tên, chưa hoạt động mà chủ yếu để lấy “tuổi” cho DN thì đố ai biết) thì họ còn gắn card visit cá nhân của họ vào. Có những vị GĐ không biết, cũng có vị biết thì cùng lắm là chia tay nhau, mà trước sau gì cũng chia tay nhau! Mấy vị GĐ đó cũng không thể oán trách gì cả, bởi họ luôn nhớ lời ông bà dạy (cũng câu “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” đó), là do họ quản lý không tốt, hơn nữa nhiều người trong số họ thời đi làm thuê cũng làm như thế khi có cơ hội, thì bây giờ biết trách ai nữa. Thế thôi!
Nói ra điều này có thể đụng chạm một số bạn bè người quen của tôi, nhưng sự thật cái cách “biến của người thành của mình” thông qua hành vi đổi danh thiếp trên quà tặng đó mới là một trong những việc làm phi chính trực, và thực tế đang có rất nhiều hành vi phi chính trực của chủ doanh nghiệp cũng như người làm thuê mà phải nhiều bài viết của các anh chị lão luyện và giàu kinh nghiệm khác viết tiếp mới có thể kể ra hết (mà một trong số đó là bài viết tôi rất thích vừa mới đăng hôm qua của anh Lâm Minh Chánh: “Đạo đức, uy tín, tính chính trực của người làm kinh doanh”). Còn lại, nếu khi đang làm thuê mà hết mình vì công việc và doanh nghiệp, giữ contacts list và mối quan hệ để hiện tại cũng như sau này có thể làm việc tốt hơn, giúp ích cho doanh nghiệp/khách hàng/đối tác/nhà cung cấp/nhân viên v.v… được tốt hơn, thể hiện sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng thì chưa hẳn đã đáng lên án, hơn nữa là hầu như không thể ngăn chặn được, đặc biệt là trong bối cảnh áp dụng nhiều phương tiện công nghệ hiện đại vào công việc ngày nay. Bản thân tôi làm qua nhiều Công ty, mà đến nay hầu như không có lại được một khách hàng cũ nào cả, thì hoặc là do tôi quan hệ với khách hàng cũ chưa tốt, hoặc do lĩnh vực làm ăn mới với thị trường và đối tượng khách hàng mới của tôi không liên quan, hoặc do cả hai!
Thật tình tôi cũng như phần lớn người khác, chẳng ai ủng hộ những người phi chính trực và những việc phi chính trực cả, nhưng vấn đề là cần phân biệt và định nghĩa khái niệm cùng với hành vi “chính trực” và “phi chính trực” trong làm ăn kinh doanh như thế nào cho chính xác, khách quan trong thời đại ngày nay? – Nhất là trong hoàn cảnh muốn tồn tại được phải dựa vào mối quan hệ (Thậm chí không chỉ là các mối quan hệ với khách hàng sòng phẳng vì lợi ích của nhau, mà còn có những mối quan hệ bí mật hậu trường, chia chác cấu kết thất đức bất lương, kể cả bất hợp pháp – Đó mới thực sự là nhiều điều đáng lên án, và cần thêm nhiều bài viết với chủ đề liên quan). Vậy đâu là phương án cốt lõi để giải quyết tình trạng phổ biến này? Nên xem xét, đánh giá và nếu có thể thì cần điều chỉnh hành vi này như thế nào cho phù hợp? Kính mong được lắng nghe ý kiến và sự chỉ giáo của các anh chị.
Minh Đức
Trả lời